Chương 42

Hiện nay, trong một năm phải có hơn tám, chín tháng ròng tôi ở trong những ngôi làng hẻo lánh để truy tìm cổ vật. Tuy rằng có lúc suốt cả mấy tháng liền tôi chẳng kiếm được món đồ cổ nào, nhưng trong lòng tôi luôn kiên định niềm tin sẽ có ngày kiếm được bảo bối. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng trên đời này còn có nhiều đồ cổ vật đang khuất lấp sau lớp bụi nhơ bẩn chờ bàn tay tôi mang chúng trở lại trong ánh hào quang của tiền bạc. Mùa hè năm nay, tôi đã ngồi trên xe suốt hơn bốn mươi giờ, đi đến các ngôi làng hẻo lánh vùng Tây Nam Trung Quốc.
Trong huyện lỵ nhỏ bé hẻo lánh nghèo nàn đó, mưa lâm râm suốt ngày suốt tháng, bốn bên đều có núi cao vây chắn, đây quả là một ngôi làng khép kín điển hình. Con đường nhỏ trong huyện sạch bóng sau cơn mưa, những ngôi nhà gỗ và mặt đường lát đá xanh đẹp như tranh thủy mặc.
Ngày ngày, ngoài thời gian đi loanh quanh các con phố, ngõ hẻm ra tôi ngâm mình vào trong một quán trà nhỏ duy nhất trong huyện.
Khách chính trong quán trừ một vài ông lão trong làng ra thì đều là khách vùng khác đến. Người vùng khác rất hiếm khi đến vùng này, người muốn đến quán nhỏ này uống trà càng ít. Trong quán ngoài tôi ra, chỉ còn có hai người trạc tuổi tôi - khoảng hơn ba mươi, thế là tự nhiên chúng tôi ngồi lại với nhau, bàn tán dăm điều ba chuyện mua cười! Trái đất quả là tròn, hóa ra hai người đó cũng là đồng nghiệp với tôi, họ vốn là những người ở thành phố đã quen sống sung túc, được cha mẹ cưng chiều từ nhỏ. Nay phải chịu thiệt thòi, phải chôn mình nơi vùng chó ăn đá gà ăn sỏi này để mong chờ có ngày tìm được báu vật đồ cổ.
Tối hôm đó, chúng tôi ngồi lại với nhau uống rượu.
Lúc đó, tôi mới biết tên đầu trọc là Vương Lỗi, trông hắn vai u thịt bắp, từng lăn lộn trong chốn giang hồ, có lần bị chém phải nằm viện hơn nửa năm, sau khi xuất viện gan hắn bỗng trở thành gan thỏ, không dám cầm dao nữa chứ đừng nói chuyện chém nhau giết người. Ông nội hắn trước từng buôn đồ cổ, ông ta có chút hiểu biết về món chơi này, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, đứa cháu đã kế nghiệp tổ truyền, cũng đi buôn đồ cổ.
Tên nói chuyện cứ lắp ba lắp bắp là Đàm Xuyên, lớn tuổi hơn Vương Lỗi, nhỏ hơn tôi vài tuổi, tên này ít nói, thoạt nhìn cứ tưởng hắn là người mưu sâu kế hiểm, nhưng tiếp xúc lâu thấy hắn là người thật thà. Trước đây hắn ở Cục di sản vì đánh cắp cổ vật nên bị đuổi khỏi cơ quan, từ đó hắn danh chính ngôn thuận trở thành người buôn bán đồ cổ.
Hai tên này đến trước tôi mấy hôm, nhưng công việc làm ăm trong huyện nhỏ nghèo kiệt xác này không ra gì. Ở vùng này tuy là xa xôi hẻo lánh nhưng mỗi năm có đến mấy mươi lượt người đến hỏi mua đồ cổ nên đồ quý giá đã bị họ quét sạch sành sanh.
“Qua mấy hôm nữa, các vùng lân cận và trong vùng này sẽ có buổi chợ phiên ở đây”. - tên Đàm Xuyên nói. Đây cũng là lý do chính khiến chúng tôi ở lại đây.
Nói thực, trong vùng nhỏ tẹo này mà lại đụng hàng thì tôi không thích chút nào và cảm thấy có chút áp lực nào đó! Đồ tốt đã không nhiều lại nhiều người mua, kiểu san sẻ này quả là bất tiện. Nhưng thiết nghĩ. Cái nghề này ngoài vận may ra thì trình độ nghề nghiệp cũng rất quan trọng nên dù nhiều hay ít cũng không thành vấn đề. Nếu thiếu bản lĩnh, thì bảo vật nằm trước mắt cũng không biết.
Trong ngày trời nhiều mây có mưa, cái huyện nhỏ này như ngâm mình trong nước, đâu cũng ẩm thấp, chăn đệm trong quán dường như lúc nào cũng có thể ra nước. Là người bôn ba đã nhiều như tôi vẫn thấy không chịu được, may mà chợ phiên chỉ còn 3 ngày nữa là họp.
Nhiều vùng nông thôn cho đến giờ vẫn còn tiếp tục chợ phiên, mỗi chợ phiên cách nhau càng lâu thì hàng hóa mang ra mua bán càng phong phú. Trong cái huyện này đến nửa năm mới họp một lần nên nhộn nhịp hết sức, quả tôi không ngờ đến. Hơn nữa, hình như trời cũng biết chiều theo lòng người, hơn nửa tháng nay trời hanh ráo, có hôm còn có cả ánh mặt trời. Tôi dạo bước trên đường vào chợ, vừa đi vừa tắm mình trong nắng, vừa phơi “tâm hồn” mình luôn.
Đôi mắt cũng như ốc sên ngủ đông, đến hôm trời nắng cứ thế mà bổ lung tung. Chợ tại vùng nông thôn hẻo lánh thông thường người ta chỉ bán những nhu yếu phẩm hàng ngày, thỉnh thoảng các vùng lân cận mang theo những đặc sản của vùng mình. Chợ kéo dài suốt mấy dặm, dường như nó chiếm cả hai con đường giao thông chủ yếu của huyện lỵ này.
Nếu nơi đây vẫn còn là một nhà thờ như ngày xưa, thì tôi đã ngất ngây trong cái không khí mang đậm bản sắc văn hóa của từng vùng miền này rồi, nhưng giờ tôi đã là một người buôn đồ cổ, mục tiêu của tôi là mua rẻ mạt những bảo bối bị sự ngu dốt thiếu hiểu biết của người dân che lấp rồi mang chúng lên các thành phố hiện đại để bán kiếm món tiền hời cho nên phiên chợ này, ngược lại tôi thấy mệt lả, chán chường, thất vọng, lưu lại hơn một tuần, tiền trong túi đã hết, hàng cũng không có, chuyến này đành phải gióng trống thu quân, treo cờ trắng thôi!
Quá trưa, tôi ăn qua loa vài miếng cho đỡ đói rồi tiếp tục săn tìm bảo bối. Thời gian đã không phụ lòng người có tâm, chẳng mấy chốc, tôi phát hiện ra một lọ gốm.
“Lọ ngũ LiêN”.
Tim tôi như nhảy vọt lên theo đôi mắt, tôi vội quay đầu nhìn dáo dác bốn bể, không phát hiện thấy hai ông bạn “đáng quý” đồng nghiệp kia. Thật hú hồn hú vía! Người xưa nói quả là không sai chút nào: đồng nghiệp tương khắc mà! Lúc đó tôi mới nhìn chàng trai bán lọ kia.
Hắn trạc bốn mươi tuổi, khuôn mặt đen như cột nhà cháy, thô tháp như vẻ ngoài dầm sương dãi nắng đã nhiều. Bây giờ, những người như hắn đi chợ rất nhiều, tuổi thực của họ trẻ hơn nhiều so với hình vóc họ. Họ không nói năng hay chào hàng gì mà cứ ngồi bất động sau sạp hàng chờ người đến hỏi mua đồ. Tôi ngồi xổm trước mặt anh ta, thỉnh thoảng đưa tay hươ hươ mấy chân nấm rừng đã khô trong chiếc sọt tre.
“Món này của anh được đấy, mua về thết bạn bè thì tuyệt đấy!” tôi giả giọng tiếng phổ thông chập chọe để bắt chuyện với anh ta.
Anh ta chẳng nói chẳng rằng, nhưng nhìn vào đôi mắt đầy hy vọng của tôi. Tôi luống cuống hươ mấy cây nấm khô và hỏi: “Bao nhiêu chỗ này?”.
Trên khuôn mặt hắn tỏ ra nét cười gượng gạo. Anh ta vừa ra giá tôi đã biết anh ta là người chất phác nên tôi không trả giá gì cả, cứ thế nhét vào túi đựng. Anh ta đếm một cách cẩn thận, lấy ra tờ năm mươi đồng trả lại, tuy không nói gì nhưng tôi biết đó là số tiền thừa khi mua hàng này nên anh ta trả lại cho tôi. Tôi không cầm tiền mà cầm chiếc lọ lên nói: “Anh cứ cầm đi, tôi mua chiếc bình này nhé?”.
Anh ta cũng không nói gì chỉ ngẩn người nhìn tôi. Tôi cười, trong bụng như hoa xuân đang nở, đoán biết những người trong vùng hẻo lánh này chắc khó lòng cưỡng lại được sức cuốn hút của năm mươi đồng! Ở vùng này giá cả vật dụng rất rẻ, chỉ cần năm mươi đồng đủ mua được khối thứ. Nhưng tôi đã nhầm, anh ta đưa tay giật lấy chiếc lọ trong tay tôi. Lúc đó, trên mặt anh ta nở một nụ cười kỳ quái. Khi bạn thấy trên khuôn mặt chất phác ai đó bỗng nở nụ cười đầy âm mưu, thì bạn sẽ có cảm giác của tôi bây giờ.
“Tiền này trả lại cho anh đấy, vật này không thể cho anh được!” Gã mặt đen nói.
Tôi lấy trong túi ra mấy tờ tiền giấy như kiểu đánh bạc đưa anh ta và bảo: “Thôi thế thì tôi thêm cho anh mấy đồng vậy”.
Gã mặt đen không nói năng gì chỉ cười, bây giờ nụ cười anh ta càng có vẻ quỷ quyệt hơn. Lúc đó, tôi chợt nhớ lại câu chuyện “Bà già mua mèo” rất nổi tiếng. Bà lão lấy cái bát đồ cổ thật quý để cho mèo ăn, trong khi bà ta mang mèo ra chợ bán, chẳng lẽ gã này cũng dùng chiêu mang cái lọ gốm cổ này để chào hàng mong họ mua nấm khô của mình cũng nên.
Nhìn nụ cười trên khuôn mặt của gã mặt đen, tôi thấy mình không thông minh như mình nghĩ.
Chiếc lọ đó kể cả hoa văn trên lọ là năm cái liền nhau nên gọi là lọ Ngũ Liên, loại lọ này chuyên đựng hồn người. Sao lại gọi là lọ đựng hồn người? Nói tóm lại, lọ Ngũ Liên là loại lọ chuyên dùng để đựng thức ăn cho người chết, là vật dụng hàng ngày của người âm.
Đến nay, vẫn còn rất nhiều vùng biên giới còn tin là linh hồn bất tử, cho rằng, khi có người chết chẳng qua là cái chết của thân xác bằng xương thịt chứ linh hồn vẫn còn tồn tại nhưng lúc này đã tồn tại trong một thế giới khác. Ở thế giới đó, họ cũng sinh hoạt hệt như khi còn sống. Vì thế loại lọ này, ngoài việc cúng tế cho hồn người chết ra, nó còn là nhà ở cho người chết, họ tin rằng, hồn người chết trú ngụ trong chiếc lọ đó, nên chiếc lọ này là cầu nối giữa thế giới người sống và thế giới bên kia.
Thoạt nhìn, tôi đã nhận ra ngay đó là chiếc lọ cổ, có nghĩa là ít nhất nó cũng được vài ba trăm tuổi, có thể ông tổ tiên anh ta truyền lại. Chiếc lọ này nếu được mang ra các thành phố lớn để bán, thì nó thuộc hàng độc, không biết bao nhiêu tiền, ít ai nói trước được. Nếu mua được chiếc lọ xem như chuyến này đã thành công. Trên chiếc lọ này nếu nhìn kỹ, sẽ thấy những hoa văn mờ nhạt, tôi đưa tay sờ sờ mới biết những hoa văn đó đã được vẽ trước khi đem nung.
Có hình vẽ trang trí cũng là bình thường, không có gì đáng nói, điều mà nó hấp dẫn tôi là ý nghĩa của những hoa văn đó.
Trong hình vẽ trang trí, họ đã chấm phá vài đường nét hình mặt người rất đơn giản, rất trừu tượng, nhưng bất kỳ ai chỉ cần nhìn kỹ là sẽ thấy đó là hình mặt người. Cuối hình mặt người có kẻ một đường sâu xuống đáy lọ, xuống gần đáy lại có hình tam giác ngược, trong hình tam giác lại có thêm mấy đường giống như cỏ vậy.
Trước nay tôi chưa thấy kiểu trang trí nào như thế cả, nhưng cũng có thể nhận thấy đó là phong cách trang trí thời tiền sử. Nếu may mắn chiếc lọ này chắc cũng có hơn vài nghìn năm tuổi, như thế, nếu mang ra thành phố hiện đại thì cái giá của nó phải lên đến con số ngoài sức tưởng tượng của tôi. Càng nghĩ tôi càng thấy trong lòng khoan khoái nao nức, càng nao nức thì càng không thể bỏ qua cơ hội này. Nhưng bất luận nói gì, gã mặt đen kia vẫn lắc đầu, vẫn cứ cười nụ cười bí hiểm đó.
Sao mình lại có thể thất bại dưới tay một kẻ ngu dốt mọi rợ này được!
Thế mà tôi lại bó tay hết cách trước gã mặt đen quê mùa dốt nát này. Tôi nghĩ hay phải tìm cách khác?
Thế là sau khi tan chợ tôi ngầm theo bước gã mặt đen kia.
Tôi nghĩ, chiếc lọ này không thể cất giữ riêng biệt, có lẽ trong làng này còn có nhiều thứ khác tương tự. Chỉ cần theo chân gã, đi đến ngôi làng mà gã đang sống chắc còn nhiều thứ đồ cổ quý giá khác, không chừng tôi sẽ phát hiện được hàng loạt bảo bối như thế hoặc tương tự như thế. Đến lúc đó ta có thể mặc sức mua vài kiểu, tha hồ kiếm lãi!
Gã mặt đen đến cuối chiều tan chợ mới về, vì tôi đã chuẩn bị trước, nên mang theo vài thứ cần thiết, tôi lẽo đẽo bám theo anh ta. Gã đi bộ, tuy lưng cõng một cái sọt to đùng nhưng vẫn lao như tên bay trên con đường sườn núi về nhà. Thật khổ cho tôi, tôi chưa bao giờ phải chịu như vậy, vừa bò vừa trườn bám theo anh ta không để lạc mất, lại vừa phải cố gắng không cho anh ta biết.