Chương 12

- Con đẹp quá! - Chớp mắt, ông tự hào... - Ba thầm nghĩ, anh chàng nào diễm phúc được làm chủ đoá tử đinh hương đẹp nhất đời này...
- Á! Đôi má ửng đỏ lên, Nguyệt Cầm đấm mạnh tay xuống người cha nũng nịu. Không cho ba nói bậy, nghĩ bậy đâu... con còn nhỏ xíu mà...
- Không nhỏ, không nhỏ nữa đâu. - Nghiêng mình né những cú đấm yêu của con, ông cười vui. - Quả thật con của ba đã lớn, lớn thật rồi.
Nguyệt Cầm giậm mạnh chân hờn dỗi:
- Ư... nếu ba còn nói nữa, con sẽ giận ba luôn đó.
- Ồ không... không, đừng giận... - Nhìn mặt con xụ xuống, ngỡ nó giận thật, ông Tùng quýnh lên. - Ba không nói, không nói nữa mà. Vào tắm rồi ăn cơm phải không nào?
- Dạ phải! - Nguyệt Cầm tươi ngay nét mặt. - Vào tắm lẹ đi ba, nước nguội hết cả rồi. Để con vào thay cho ba thau nước mới.
- Không sao... ba tắm nước nguội cũng được mà! Ông đưa tay ngăn lại, nhưng không kịp, Nguyệt Cầm đã co chân chạy đi rồi.
Sau một ngày mệt nhọc, được ngâm mình trong nước ấm thật thoải mái vô cùng. Bao mệt mỏi ưu phiền tan biến, ông thầm cảm ơn trời đã ban cho mình một đứa con hiếu thảo.
Vợ mất khi hãy còn là một trung niên chưa đến tuổi bốn mươi, nhưng ông không đi bước nữa. Mặc cho bao người mai mối, bao cô gái đẹp thầm yêu, trộm nhớ. Cuộc đời của ông đã dành trọn cho con và sự nghiệp.
Ông không phải là người xứ này, dù ông đến đây định cư hơn mười tám năm rồi. Mọi người ở đây đều yêu thương, quý trọng đức tính của ông. Nhưng... họ không thể nào hiểu được hoàn cảnh của ông, cũng như quê quán của ông nơi nào, tại sao lại đến đây cư ngụ. Họ chỉ thầm thắc mắc với nhau thôi. Rằng... một bác sĩ giỏi tay nghề như ông sao không tiến thân ở thành phố, ở những nơi dân cư đông đúc, đầy đủ tiện nghi, lại đến đây, đến cái làng quê nhỏ bé và lạc hậu này cư ngụ.
Dẫu sao thắc mắc vẫn là thắc mắc. Mười tám năm rồi, mọi người như đã quen dần cách sinh hoạt khác người của cha con ông. Như một con ốc nhỏ,cha con ông sống trầm tư cách biệt mọi người. Ngoài những lúc ở bệnh viện ra, trở về nhà, ông hầu như chẳng tiếp xúc giao thiệp cùng ai cả.
Cô con gái Nguyệt Cầm thì khỏi nói. Xinh như một đoá hồng nhung... Các gã trai làng đừng mơ mà để mắt. Cả cái nhìn chiêm ngưỡng dung nhan kiều
diễm của cô cũng không có được. Cả ngày giam mình trong ngôi biệt thự, cô chỉ xuất hiện bên cửa rào một ngày đúng hai lần. Đó là lúc tiễn cha đi làm và lúc mở cửa đón ông về mà thôi. Khiến cho bao kẻ si tình, ngưỡng mộ đâm ra chán nản, không còn dám hy vọng nữa.
Tất cả những lời bàn tán của mọi người, ông Tùng đều biết. Cũng như biết rõ cách sinh hoạt kỳ lạ của mình đã làm cho mọi người ở đây khó chịu. Nhưng... thà vậy.
Ông không thể thay đổi nếp sống một khi đã trở thành thói quen rồi.
Ông vẫn biết, một tài năng hiếm hoi như mình bị chôn vùi mãi ở cái vùng quê này là một sự phí phạm. Một thiệt thòi lớn cho mình và con gái. Lẽ ra... cha con ông không phải sống thiếu thốn thế này.
Thật tội nghiệp Nguyệt Cầm, mười tám năm sống bên cha chẳng khác gì bị cầm tù. Ngoài căn biệt thự lớn này ra, nó chẳng biết thế gian còn bao điều thú vị.
Nhiều lúc nhìn con nói những câu ngớ ngẩn, lòng ông đau nhói. Thương con quá. Cuộc đời nó đâu đáng bị thế này. Trong khó khăn nhưng ông vẫn có thể cho nó một cuộc sống khá hơn nhiều. Nó phải được đến trường, phải trở thành cô sinh viên đại học tương lai xán lạn. Vậy mà... nó chỉ là một cô gái quê ngốc nghếch chỉ học hết quyển đánh vần. Tại sao... tại sao ông không thể thả nó ra ngoài bầu trời rộng bao la làm con chim tự do mặc tình ca hát, tự làm chủ cuộc đời mình. Liệu... ông có còn sống mãi để bảo bọc cuộc đời con. Nó mỏng manh như hoa hồng, dễ vỡ như trứng mỏng, làm sao có thể đối phó với cuộc đời đầy sóng gió thăng trầm.