Chương 66: Già yếu và tử vong

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Ngày hôm sau, Đình Sương nhận được món quà mà Tô Bình gửi tới từ Berlin.

Lần trước cậu có chọn vài bao hạt cà phê loại đặc biệt, một chút việt quất mà cậu và Bách Xương Ý cùng trồng trong sân, kèm theo tấm ảnh chụp chung của hai người, sau đó gửi tất cả tới cho Tô Bình. Lần này Tô Bình gửi lại cho cậu hai chai rượu lý chua đen, một hộp bánh bích quy bà tự tay nướng, hai hũ mứt hoa quả bà tự tay làm, thêm vào đó là một cuốn album ảnh và mấy quyển nhật ký cũ mèm.

Trong quyển nhật ký kia là những ghi chép của Bách Xương Ý hồi anh mười mấy tuổi.

Còn trong cuốn album bọc vải bố đều là ảnh chụp của Bách Xương Ý từ bé tới lớn, ảnh dưới 10 tuổi thì có rất nhiều, thế nhưng càng về sau càng ít. Đình Sương chăm chú nhìn từng bức một, ánh mắt rơi xuống tấm ảnh chụp Bách Xương Ý đang đánh bóng tennis, rất lâu cũng không chịu lật sang trang khác.

Bên dưới tấm ảnh kia có ghi chú mốc thời gian rõ ràng: ngày 21 tháng 6 năm 2003.

Bách Xương Ý chẳng mấy đã 20 tuổi.

“Ối đệt…” Chúc Văn Gia đi ngang qua thì bị tấm ảnh kia hấp dẫn, đứng ở phía sau lưng Đình Sương mà cảm thán: “Chị dâu thời trẻ đẹp trai quá.”

“Anh ấy bây giờ vẫn trẻ mà.” Đình Sương lật sang tờ khác: “Hiện tại càng đẹp trai hơn.”

“Ok, em câm họng ngay. Chị dâu vĩnh viễn trẻ trung.” Chúc Văn Gia nhớ tới chuyện gì đó: “Mà anh này, ba kết thúc lệnh trừng phạt kinh tế với em rồi, tháng sau em sẽ đi xem trường đại học, em có nhiều trường muốn đi xem lắm, không thể mỗi lần xem xong lại bay về chỗ anh được đâu, bay tới bay lui rất phiền phức.”

“Được rồi, em cứ tự mình làm đi.” Đình Sương nhìn tấm ảnh ở ngay mặt sau của tấm tennis, không biết là chụp ở sa mạc nào, Bách Xương Ý hai mươi tuổi cùng với bạn bè đang ngồi trên nóc một chiếc xe jeep, phía đằng sau là một vầng mặt trời đang chìm vào bên trong biển cát vàng mênh mông.

Cùng ngày hôm đó, Chúc Văn Gia đặt vé máy bay rồi rời khỏi, để lại trong phòng ngủ 10.000 euro tiền mặt. (~265tr vnđ)

Sau khi Đình Sương phát hiện ra thì ngay lập tức gọi cho Chúc Văn Gia, hỏi xem đây là chuyện gì, Chúc Văn Gia tùy tùy tiện tiện đáp: “Anh, không phải em coi nhà của anh với chị dâu như khách sạn đâu, tiền này là em biếu anh đó, anh làm thêm một giờ chỉ kiếm được mỗi 20 euro, nghèo phát thảm, làm em mấy tuần nay ăn của anh dùng của anh mà cũng chẳng đành lòng.”

Đình Sương nghe xong thì bật cười: “Thôi đi, chẳng đành lòng mà có thấy em ăn ít được miếng nào đâu.”

“Đúng đó, ở chỗ anh em còn béo lên hai cân.” Chúc Văn Gia cười nói: “Không có chuyện gì nữa thì em cúp máy nhé, em phải đi check-in, thay em gửi lời hỏi thăm chị dâu hén.”

“Ừ, em chú ý an toàn đấy.” Đình Sương cúp điện thoại, tầm mắt quay trở lại mặt bàn, trên đó bày biện cuốn album cậu đang xem dở, và thêm vài món đồ to to nhỏ nhỏ mà Tô Bình gửi đến.

Người nhà của Bách Xương Ý đối xử với cậu tốt như vậy, còn ngược lại thì…

Đình Sương ra nằm trên bãi cỏ ngoài sân, nhìn bầu trời một lúc, rồi nhắn tin cho Chúc Ngao: Ba, chúng ta tìm thời gian để nói chuyện đi, chỉ có hai ba con mình với nhau thôi.

Phải từ từ, cậu nghĩ, không thể một bước ăn luôn thì phải từng bước từng bước đi tới.

Chờ một lúc lâu, Chúc Ngao mới trả lời: Ngày hôm qua ba đã nói rồi, con suy nghĩ cho thật kỹ đi, không cần vội vàng phản bác lại làm gì, để mười ngày nửa tháng nữa rồi hẵng nói chuyện với ba.

Đình Sương nâng điện thoại di động lên, nhìn chằm chằm màn hình, nửa ngày trời mới gõ ra được vài chữ, rồi lại xóa đi.

Bách Xương Ý về đến nhà thì vừa vặn thấy được cảnh này, Đình Sương cầm máy không chắc tay, điện thoại rơi bộp xuống mũi, đau đến mức cậu phải hít hà.

“Anh còn cười được à?” Đình Sương vừa nhìn thấy Bách Xương Ý, liền nhảy tới bám vắt vẻo trên người anh.

Bách Xương Ý cứ thế mà xách theo Đình Sương đi vào nhà, lúc cúi đầu mở cửa, bỗng vô ý nhìn thấy mấy chữ trên màn hình điện thoại của cậu: “Nghĩ kỹ phải nói thế nào rồi à?”

“… Chưa ạ.” Đình Sương nói: “Em không thể nói với ba em mấy lời kiểu như ‘chắc gì cuối đời con đã sống cô độc, nhỡ đâu con tráng niên mất sớm, ngày mai đã tèo thì sao’. Suy cho cùng em vẫn là con trai của ông ấy, nếu em mà nói như vậy, có khi làm ông ấy tức chết luôn ấy chứ.”

“Ting.” Bách Xương Ý buông cậu ra: “Chúng ta ra ngoài một chuyến đi.”

Đình Sương ôm lấy cổ anh, hỏi: “Đi đâu thế?”

“Khu nghĩa trang trung tâm.” Bách Xương Ý nói: “Ngày hôm qua anh đã muốn dẫn em đi rồi, thế nhưng chỗ đấy 8h đã đóng cửa, tối qua không kịp.”

“Nghĩa trang trung tâm?” Đình Sương hỏi: “Tại sao lại tới nghĩa trang trung tâm? Nay là ngày giỗ của ai à?”

“Không phải.” Bách Xương Ý nói: “Đi dạo chơi chút thôi.”

Đình Sương: “Hơ, sao phải đến nghĩa trang trung tâm để đi dạo chứ…”

“Đi nhìn thử cái chết.” Bách Xương Ý nói: “Đi bàn chuyện già yếu, bàn chuyện tử vong.”

Đình Sương ngẩn người.

“Lẽ ra anh nên dẫn em tới đó sớm hơn.” Bách Xương Ý dùng ngón tay nhẹ nhàng chỉnh lại tóc mái của Đình Sương: “Già yếu và tử vong có thể dễ dàng bắt gặp như đóa hoa hồng vậy. Anh không hi vọng em sẽ sợ hãi chúng, càng không hi vọng khi đối mặt với chúng, em lại chẳng biết phải làm gì.”

Lái xe tới bên ngoài khu nghĩa trang trung tâm, Đình Sương mới phát hiện, hóa ra nó nằm ở ngay mé bên trái của tòa giáo đường cũ. Ngày thường cậu cũng hay đi ngang qua nơi này, chỉ là chưa từng chú ý tới. Bức tường làm bằng đá cẩm thạch vây xung quanh khu nghĩa trang chỉ cao tới eo người, còn bên trong là những bụi cây cao ngang đầu, đứng ở bên ngoài bờ tường, nhìn xuyên qua những bụi cây, có thể mơ hồ nhìn thấy những tấm bia san sát nhau cùng với ngàn khóm hoa tươi trước mộ.

“Chỗ này được chăm chút đẹp quá, cứ như… một công viên vậy.” Tiến vào khu nghĩa trang, bốn phía yên tĩnh, Đình Sương bất giác mà nhỏ giọng theo.

Đây là lần đầu tiên cậu nhìn thấy nhiều bia mộ như thế.

Hình chữ nhật, hình thập tự giá, hình bầu dục… trước mỗi tấm bia mộ đều trồng những loài hoa khác nhau, hoặc là đặt một cuốn Kinh Thánh và bức tượng Thiên Sứ. Phía xa xa có người đang tưới nước cho những bông hoa tươi trước mộ, cũng có người ngồi trên băng ghế dài nhìn bia mộ mà xuất thần.

Toàn bộ khu nghĩa trang không hề mang tới bầu không khí rùng rợn, nó chỉ khiến con người ta cảm thấy yên bình.

Đình Sương dừng bước nhìn dòng chữ trên một tấm bia, 1911-1951, một người tên Gunter đã an nghỉ tại nơi này được 68 năm.

Niên đại xa xưa, văn bia lại dùng kiểu chữ Gothic viết liền nên rất khó đọc. Đình Sương nhìn một hồi lâu, mới thử phiên dịch lại câu nói kia: “Ông ấy có bốn mươi năm thời gian… chông chênh… nhưng không tầm thường.”

“Là tranh vanh.” Bách Xương Ý dịch lại một cách sơ lược: “Ông ấy nắm giữ bốn mươi năm tranh vanh tuế nguyệt.”

(tranh vanh tuế nguyệt: nghĩa là năm tháng tranh vanh, ám chỉ một thời xuất chúng, bất phàm)

“Ông ấy nắm giữ bốn mươi năm tranh vanh tuế nguyệt.” Đình Sương chậm rãi đọc thầm nhiều lần, đột nhiên lại xúc động vì câu nói này, xúc động vì hai chữ “nắm giữ”.

Cậu không biết cái người tên Gunter này khi còn trẻ, đã bao giờ nghĩ đến cuộc đời của mình ở tuổi 50 hay chưa? Đã bao giờ nghĩ đến quãng đời còn lại nên sống thế nào?

Con người ta thực chất chẳng bao giờ nắm giữ được tương lai chân chính, cũng chẳng có cái gì gọi là quãng đời còn lại. Quãng đời còn lại chỉ là ảo cảnh của nguyện vọng và tưởng tượng, thứ mà con người ta chân chính nắm giữ được, chỉ là những năm tháng đã đi qua, chỉ là những thời khắc ngay tại giây phút này.

Đình Sương đứng lặng trước tấm bia mộ đó, tâm hồn đột nhiên rộng mở.

Gió nhẹ la đà thổi qua, ngày mùa thu trong trẻo.

“Đi tiếp nhé?” Đình Sương hỏi.

“Ừ.” Bách Xương Ý đáp lại một tiếng, hai người sóng vai đi về phía trước.

Đi được mấy bước, Bách Xương Ý bỗng nói: “Nếu như ngày mai anh có chết đi, trên bia mộ của anh cũng sẽ khắc như vậy —— Người ấy nắm giữ ba mươi sáu năm tranh vanh tuế nguyệt, và một cậu người yêu trẻ tuổi tên là Đình Sương.” Giọng điệu của anh vẫn thản nhiên như thường, Đình Sương không cảm giác được một chút u tối nào.

“Đâu hề đáng sợ đúng không?” Bách Xương Ý cười rộ lên, hài hước bảo: “Nếu may mắn, biết đâu văn bia của anh có khi sẽ là —— Người ấy nắm giữ trăm năm tranh vanh tuế nguyệt, và một ông lão tên là Đình Sương.”

Đình Sương cũng nở nụ cười: “Em tới 80 tuổi vẫn là một ông già đẹp lão, hút thuốc, lái xe mui trần, lúc đợi đèn xanh đèn đỏ sẽ ôm hôn anh một cái, ai dám giơ ngón giữa với em, em sẽ giơ ngược lại, dù sao đến lúc ấy rồi, mấy thằng nhãi trẻ tuổi kia đều chỉ đáng làm cháu của em.”

CHÚ THÍCH

[1] Thuốc trợ tim cấp tốc [2] Lý chua đen-Blackcurrant [3] Album bọc vải bố

[4] Nghĩa trang công cộng [5] Kiểu chữ gothic [6] Dune buggy: bọ cát – xe địa hình chạy trên cát