Chương 85: Đảo ngược

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Sau khi Đình Sương chuyển về nhà, cậu có nhiều thời gian hơn để ở bên cạnh Chúc Ngao.

Cậu kể cho Bách Xương Ý nghe về sự biến hóa trong mối quan hệ giữa mình và ba, nói tóm lại thì được gói gọn trong hai câu châm ngôn.

Câu thứ nhất là “hổ phụ sinh khuyển tử” —— đây là để hình dung cậu và Chúc Ngao của trước đây.

Cậu thứ hai là “hổ xuống đồng bằng bị chó khinh” —— đây là để hình dung cậu và Chúc Ngao của hiện tại.

Bách Xương Ý nghe xong thì buồn cười hỏi: “Em làm gì rồi?”

“Chẳng làm gì cả.” Ngày mùa thu, ngoài cửa sổ lá rụng bay tán loạn, Đình Sương nhàn nhã rót cho mình một tách cà phê, gác chân lên bàn: “Hồi em còn nhỏ, ông ấy không cho em ăn mấy thứ em thích ăn, như kiểu kem kiếc ấy, cũng không cho em đi chơi net với bạn bè. Vì thế bây giờ, ông ấy cũng không thể đi ăn cơm uống rượu đánh bạc với bạn bè của ông ấy nữa, ông ấy phải giống như em hồi nhỏ, ăn thực phẩm lành mạnh, nỗ lực học tập —— À gần đây ông ấy đang tập bước đi, tuy rằng hầu hết thời gian vẫn phải ngồi xe lăn.”

Trong cuộc sống, tại một thời điểm nhất định nào đó, quyền lực trong mối quan hệ giữa cha và con sẽ đột nhiên thay đổi.

Hầu hết các cặp cha con đều sẽ gặp trường hợp này.

Thời điểm đó giống như một trận chiến giữa cha và con, sau khi trận chiến kết thúc, người con trai sẽ nhận ra rằng cha mình đã là một người già, hay nói cách khác, người cha đã biến lại thành một đứa trẻ.

Trận chiến của Đình Sương và Chúc Ngao chính là ở trong phòng bệnh. Trong trận chiến đó, cậu và ba mình đã hoán đổi vị trí cho nhau, giống như khi cậu còn bé, cậu sẽ để cho Chúc Ngao nhìn thấy nước mắt của mình, ở trong phòng bệnh, cậu cũng đã nhìn thấy được nước mắt của Chúc Ngao. Hiện giờ cậu phải nhìn Chúc Ngao luyện tập bước đi, luyện cách nói chuyện, luyện cầm đũa và bút.

Tất cả đều đảo ngược.

“Em thấy mình đã trở thành người làm chủ gia đình.” Đình Sương vắt chân, chốt hạ một câu.

Bách Xương Ý nói: “Anh có thể nhìn thấy cuộc sống tương lai của mình rồi.”

“Thật không?” Đình Sương tưởng tượng cảnh mình làm mưa làm gió trên đầu Bách Xương Ý: “Anh yêu à, bao giờ em trở lại, nhà mình có thể để cho em làm chủ được không?”

Bách Xương Ý cười nói: “Anh cho rằng em vẫn luôn là người làm chủ đấy chứ.”

Đình Sương đang muốn nói gì đó, phía sau có tiếng gõ cửa.

“Ai đấy? Cửa đang khóa, chờ một chút.” Đình Sương cầm điện thoại đi ra mở cửa.

“Ba đây.” Giọng nói của Chúc Ngao vang lên.

Đình Sương định ngắt videocall rồi mới mở cửa, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ba cậu đâu thể cả đời này đều không gặp Bách Xương Ý, bây giờ là thời cơ tốt để ba cậu làm quen dần với một thân phận khác của giáo sư Bách.

“Không ngắt à?” Bách Xương Ý hỏi.

Đình Sương nói: “Khi em còn bé, ông ấy luôn bắt em phải cố gắng thích nghi với bồ của mình. Hiện giờ phong thủy luân chuyển, đây là thời điểm để ông ấy cố gắng thích nghi với bồ của em. Huống chi bồ của em tốt hơn bồ của ông ấy gấp vạn lần.”

Bách Xương Ý buồn cười quá chừng, nhắc nhở: “Đừng nóng vội.”

“Em biết rồi.” Đình Sương mở cửa, nhìn thấy hộ lý đang đẩy xe lăn cho Chúc Ngao, bèn hỏi: “Ba à, sao thế ạ?”

“Gọi con xuống ăn cơm.” Chúc Ngao nhìn màn hình điện thoại của Đình Sương: “Con đang làm gì đấy?”

“Con đang buôn với ——” Trước đây ở trước mặt của Chúc Ngao, Đình Sương luôn gọi Bách Xương Ý là “giáo sư nhà con”, cậu sợ Chúc Ngao nghe thấy những xưng hô khác thì trong lòng sẽ khó chịu. Thế nhưng bây giờ cậu lại nghĩ khác, cứ quang minh chính đại dùng xưng hô với bạn đời thì hay hơn, gọi vậy mới là tự nhiên nhất, chứ càng né tránh càng có vẻ như đang chột dạ: “Buôn videocall với partner ạ.”

Quả nhiên, Chú Ngao rất khó chịu với cách xưng hô này: “Đình Sương, con du học lâu quá không nhớ được tiếng mẹ đẻ à?”

“Ba muốn nghe tiếng Trung hả?” Đình Sương nhếch miệng nở nụ cười, trông vô cùng hiền lành thánh thiện: “Con bảo là, con đang buôn videocall với chồng con ạ.”

Chúc Ngao không hề biến sắc, chỉ có tầm mắt chậm rãi di chuyển từ mặt của Đình Sương sang mặt của Bách Xương Ý trên màn hình điện thoại.

Chồng.

Sóng to gió lớn, Chúc Ngao đã gặp.

Chán ghét đồng tính luyến ái, Chúc Ngao khắc phục.

Con trai muốn kết hôn với một tên đàn ông già hơn hai chục tuổi, Chúc Ngao đành chấp nhận.

Thế nhưng hiện giờ con trai ở ngay trước mặt ông, gọi cậu em Bách là ‘chồng’…

Bách Xương Ý ở cách đấy 9000km, thông qua cái màn hình điện thoại cũng ngửi thấy bầu không khí nghiêm túc, thế là anh nhắc nhở một câu: “Ting.”

Đình Sương đáp: “Ơi.”

Chúc Ngao nghiêng đầu nói với hộ lý: “Về phòng đi, tôi đau đầu.”

Hộ lý hỏi: “Cơm thì sao?”

Chúc Ngao: “Không ăn.”

Đình Sương đi theo xe lăn vài bước, nói nhỏ với hộ lý: “Mang cơm vào phòng cho ba tôi nhé, nhớ đo huyết áp cho ông ấy nữa.”

Chờ hộ lý đẩy xe lăn đi xa, Đình Sương mới nói với Bách Xương Ý: “Hình như hơi quá đà thật rồi. Thế nhưng em thấy suy nghĩ của mình không sai. Chuyện này không thể giảng bằng đạo lý được, đành phải xài chiêu ‘mưa dầm thấm đất’ thôi. Ba ngày hai bữa em lại cho ông ấy một chút kích thích, kiểu gì ông ấy cũng chậm rãi tỉnh ra.”

Đương nhiên không thể nào chỉ đưa mỗi ‘kích thích’ được.

‘Kích thích’ phải đi kèm với ‘ấm áp’.

Ngày hôm sau, Đình Sương lấy đôi giầy cậu mua ở sân bay ra, đưa cho Chúc Ngao đi thử xem có vừa chân không.

Chúc Ngao đi dép lê, ngồi trên xe lăn, vẻ mặt không chịu hợp tác. Chữ ‘chồng’ kia có uy lực khủng khiếp quá, hiện giờ ông vẫn chưa hòa hoãn lại được.

Đình Sương bèn cất giầy vào trong tủ, nói: “Không chịu thì thôi, dù sao ba cũng có nhiều giầy rồi. Con đi làm đây.”

Chờ đến khi Đình Sương ra khỏi cửa, Chúc Ngao mới bảo hộ lý lấy giầy tới để đi thử, vừa như in, sau đấy chẳng thấy cởi ra khỏi chân nữa.

Từ sau khi xuất viện, ngoại trừ thi thoảng tới bệnh viện để tập vật lý trị liệu theo yêu cầu của bác sĩ, còn đâu Chúc Ngao chỉ ngồi lì ở trong nhà. Trải qua cơn bệnh lần này, cuộc sống của ông đột ngột chậm lại, phảng phất như đã về hưu. Trước đây trong nhà mua thêm cái gì hay vứt bớt cái gì ông đều mặc kệ, hơn nữa cũng chẳng phát hiện ra. Còn hiện giờ, trong nhà có nhiều thêm một tấm bưu thiếp cũng không thoát nổi con mắt của ông.

Bảo mẫu ký nhận thư, cầm vào nhà rồi để lên trên mặt bàn.

Chúc Ngao vừa liếc mắt đã thấy tấm bưu thiếp kia được gửi tới từ Đức. Mặt phải của bưu thiếp là hình nhà thờ lớn Cologne, mặt trái thì toàn chữ là chữ, thế nhưng ngoại trừ câu “Chiều theo ý em, viết thêm hai câu” và địa chỉ nhận thư bằng tiếng Trung – thì còn lại đều là tiếng Đức, Chúc Ngao một chữ bẻ đôi cũng không hiểu.

Nội dung bưu thiếp để công khai kiểu này, thường thì không viết những việc riêng tư, Chúc Ngao vừa rảnh vừa tò mò, thế là bảo hộ lý đi lấy quyển từ điển Đức-Trung trên giá sách của Đình Sương tới.

Vừa mới lật từ điển ra ông đã thấy không khỏe, từ đầu tiên có nghĩa là: bảo bối, tâm can, thân ái.

Chúc Ngao ngay lập tức quăng từ điển qua một bên, quyết định từ nay về sau không sờ đến bưu thiếp của Đình Sương nữa.

Dẫu có là bố con cũng cần duy trì khoảng cách chừng mực.

Thế nhưng thằng con trai ông không chịu buông tha cho ông.

Ví dụ như lúc cả nhà đang ăn sáng, Đình Sương sẽ nói: “Bánh mì này không ngon bằng bánh mì Xương Ý nướng.”

Hoặc là sẽ bảo: “Mứt hoa quả mua ở đâu thế? Ba ơi, sau này con gửi mứt tự làm cho ba ăn nhé, con với Xương Ý có trồng việt quất đấy.”

Chúc Văn Gia cũng phụ họa theo: “Chị dâu của con nấu ăn ngon lắm.”

Hoặc ví như lúc Chúc Ngao đọc tạp chí chuyên ngành, Đình Sương sẽ mò tới gần: “Ba đang đọc tạp chí ạ? Bài viết này hôm qua con cũng đọc rồi, viết hay quá chừng.”

Chúc Ngao muốn hỏi thử kiến giải của Đình Sương, nhưng câu tiếp theo mà Đình Sương thốt ra chính là: “Trích dẫn từ bài viết của Xương Ý đăng trên số năm ngoái…”

Chúc Ngao để tạp chí qua một bên.

Đình Sương cầm lấy quyển tạp chí, vừa lật vừa cảm khái: “Ba ơi, ba có chàng rể như thế này, quả thực là phúc đức lớn.”

Chúc Ngao lặp lại: “Chàng rể?” (bán tử)

“À vâng.” Đình Sương nói: “Con cảm thấy gọi là ‘nữ tế’ hay ‘con dâu’ đều không thích hợp, ba à, ba thấy thế nào?” (nữ tế: chồng của con gái)

Chúc Ngao: “Vì thế con thấy gọi là ‘chàng rể’ thì thích hợp?”

Đình Sương: “Vẫn thế cả thôi, ba muốn gọi kiểu gì cũng được.”

Lúc thốt ra câu này, khuôn mặt của Đình Sương vẫn ôn nhu – thánh thiện – tươi cười, làm cho Chúc Ngao muốn tức mà không tức được.

Thỉnh thoảng trong nhà sẽ xuất hiện thêm vài món đồ.

Hôm nay trên bàn trà xuất hiện một quyển sách có chữ ký của Bách Xương Ý, ngày mai lại xuất hiện một cái giá lật sách tự động. Đình Sương nói rằng đấy là do Bách Xương Ý mua, tặng cho Chúc Ngao để ông khỏi phải mất công lật sách.

Có một ngày, thậm chí Chúc Ngao đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài sân, thấy Đình Sương và hai công nhân đang cắt tỉa một cây bách xanh nom cao thẳng đẹp đẽ vô ngần.

(chữ bách của cây bách xanh là chữ bách-柏 trong Bách Xương Ý)

Chờ đến khi nhận ra được ý đồ của Đình Sương, Chúc Ngao cảm thấy ông đã quen dần với việc Đình Sương và Bách Xương Ý ở bên nhau mất rồi.

Một sớm ngày chủ nhật, Chúc Ngao ngồi trong phòng ăn đợi Đình Sương và Chúc Văn Gia cùng xuống nhà dùng bữa sáng, ông tính ở trên bàn cơm sẽ nói cho Đình Sương biết, rằng từ nay về sau không cần khoe ảnh ‘hai người một chó’ cho ông xem nữa, ông xem đủ lắm rồi.

Thế nhưng chờ mãi chẳng thấy hai thằng con vác mặt xuống, Chúc Ngao đoán hai đứa này tính ngủ nướng rồi, thế là bèn ăn sáng trước.

Ăn một mình thì có hơi buồn, Chúc Ngao bảo hộ lý bật loa bluetooth ở trên bàn lên.

Cái loa này là Đình Sương mua từ hai hôm trước, hình dáng trông giống hệt chiếc đài cát xét mà ngày trẻ Chúc Ngao thường nghe, cho nên ông rất thích.

Hộ lý mở loa, chưa kịp kết nối bluetooth với điện thoại di động để bật thời sự buổi sáng cho Chúc Ngao nghe, thì loa đã phát ra một tiếng: “Đã kết nối.”

Hộ lý kinh ngạc bảo: “Tôi còn chưa ——”

Chưa dứt lời, trong loa đã truyền ra tiếng nói trầm thấp của Bách Xương Ý: “Ting, để thấp camera xuống chút nữa, anh không nhìn thấy.”

Giọng nói này gợi cảm hơn nhiều so với giọng nói mà Chúc Ngao từng được nghe.

▬ Để thấp camera xuống chút nữa, anh không nhìn thấy.

Giáo sư kia, không, cầm thú kia muốn nhìn cái gì?

Không đáng mặt người làm nghề nhà giáo!

Hộ lý căng thẳng liếc nhìn Chúc Ngao: “Chuyện này…”

Cùng lúc đó ở trong phòng ngủ, Đình Sương nói với Bách Xương Ý trên màn hình di động: “Sao em không nghe được tiếng của anh nhỉ? Để em xem nào… hình như bluetooth tự động kết nối với thiết bị khác, để em tắt đi bật lại đã. Ok rồi, anh vừa mới nói gì thế?”

Bách Xương Ý nói: “Anh bảo em để thấp camera xuống chút nữa, anh bây giờ chỉ nhìn thấy mỗi ngọn cây thôi.”

“À ờ… em không để ý…” Đình Sương quay về phía cửa sổ, hạ thấp góc quay của camera xuống: “Rồi đó, anh nhìn thấy được toàn bộ cây bách xanh chưa?”

CHÚ THÍCH

[1] Nhà thờ lớn Cologne/nhà thờ chính tòa Köln: tên chính thức là nhà thờ thánh Phêrô và đức mẹ Maria [2] Bách xanh [3] Bánh cuốn rau cải