Chương 73: Du long

Tháng Bảy năm Nguyên Sóc thứ mười bốn, chiến tranh biên giới Nam quốc và Bắc quốc bùng nổ.

Nam Dương là một trong những nơi bị ảnh hưởng.

Lục nhị lang Lục Hiển lợi dụng khả năng biết trước tương lai trong mơ, tăng cường biên phòng và bổ sung quân đội ở biên giới, khiến tình hình chiến sự bớt căng thẳng hơn nhiều so với giấc mơ của hắn. Nhưng có một số việc vẫn không thể tránh khỏi, ví dụ như cũng giống trong mơ, tuy ít nhiều gì triều đình đã có hòa giải, song Nam Dương vẫn bị cuốn vào ngọn lửa chiến tranh. Như vậy, tứ lang Phạm thị Phạm Thanh Thần vốn ở lại Kiến Nghiệp giành giật La nữ lang với Lục tam lang, nhưng sau khi nhận được thư nhà, gã đã rời Kiến Nghiệp để quay về Nam Dương.

Từ đầu đến cuối, Phạm tứ lang không hề ảnh hưởng đến hôn sự của La Linh Dư, Lục nhị lang cũng chưa từng lo lắng vì chuyện này. Bởi ở trong mơ, tình hình ở Nam Dương cũng như thế.

Hiện tại, chuyện Lục nhị lang bận rộn nhất đó là, suốt ngày cùng với các sĩ phu ở trên triều thảo luận phải làm gì để ngăn chiến sự, bận chuyện đến sứt đầu bể trán, cả ngày không hề đặt chân về nhà. Mà bởi vì chiến tranh bùng nổ ở phương Bắc, nên trong vòng nửa tháng, có rất nhiều lưu dân đã đến đô thành Kiến Nghiệp ở Nam quốc. Nhưng triều chính do thế gia nắm giữ, thế gia có tiền, còn triều đình thì không. Cãi nhau mấy hôm, trong triều vẫn không thống nhất được nên bố trí cho những lưu dân này ở đâu. Mà lúc bấy giờ, lại có một vài nữ lang quý tộc trong thành cấp gạo cấp lương khô, nấu cháo phát thuốc, xoa dịu áp lực mà triều đình phải đối mặt, lại còn khiến mọi người cùng vui.

Mà nổi bật nhất, chính là mỹ nhân nổi tiếng ở Kiến Nghiệp nửa năm qua – biểu tiểu thư Lục gia Đan Dương, biểu muội của danh sĩ Tầm Mai cư sĩ, La thị nữ La Linh Dư.

Nguyên là lưu dân tràn vào Kiến Nghiệp quá nhiều, đúng lúc nữ lang sĩ tộc Trần Tú trông thấy cảnh đó, nổi lòng thương xót. Dù gì chủ nhân Trần gia cũng đã đi hết, chỉ còn lại một mình nàng. Trong trang viên của Trần gia còn rất nhiều phòng trống, Trần Tú bèn “của người phúc ta”, bố trí cho những lưu dân này nghỉ ngơi tại nhà. Không ngờ nghĩa cử của nàng đã được các danh sĩ ca tụng, thanh danh của Trần Tú bất ngờ lan rộng. Trần Tú giật mình, thế là càng tích cực cứu viện hơn.

Mà vừa đúng lúc, khu ổ chuột của Chu Dương Linh cũng có không ít người đến, nàng đang nghiên cứu phải cứu tế dân nghèo thế nào.

La Linh Dư vừa muốn né tránh Phạm Thanh Thần ngày nào cũng đến Lục gia tìm mình, lại vừa ghen tị khi Trần Tú có được tiếng tăm. Chu lang rất tán dương khả năng làm việc của nàng, nên sau khi hai người bàn bạc, La Linh Dư dứt khoát dẫn theo muội muội, bước lên sân khấu đọ cùng Trần Tú. Nàng và Chu Dương Linh đến mấy chùa miếu lớn ở ngoại ô nhờ giúp đỡ, thu xếp nơi ở cho những lưu dân. Các nữ lang khác ở Kiến Nghiệp thấy bọn họ làm vậy thì cũng rối rít noi theo, ai ai cũng có gia sản kếch xù. Nhất thời, bọn họ khiến triều đình đang phải đối mặt với áp lực lưu dân cảm thấy bất ngờ, đồng thời cũng rất vui.

Như vậy thì tiếng thơm của La Linh Dư không chỉ lan truyền giữa sĩ tộc, mà nàng cũng bắt đầu có danh tiếng trong bình dân hàn môn.

Đầu tháng Bảy, La Linh Dư và Chu Dương Linh ở lại chùa trên núi chừng mười ngày, cho tới khi Lục gia gửi thư cho nàng. Lần này Lục phu nhân đón các biểu tiểu thư đến ở, mùa hè oi bức, để tránh nóng, người nhà Lục gia đều chuyển đến quận thành Đan Dương. Dự định là Thất Tịch năm nay, người Lục gia và các biểu tiểu thư sẽ ở lại quận thành Đan Dương chơi lễ. Gửi thư cho La Linh Dư là vì sợ La Linh Dư không biết chuyện, sau khi xuống núi vẫn trở về ngõ Ô Y ở Kiến Nghiệp, đến lúc đó Lục gia chỉ còn lại sân viện trống rỗng.

Ngày hội Thất Tịch à… La Linh Dư nghĩ ngợi rồi nói với Chu Dương Linh một tiếng, định xuống núi đến Đan Dương. Nàng không phải là thánh nhân như Chu Dương Linh, không thể có chuyện vì danh tiếng mà phải lẻ loi sống trong núi cho hết ngày lễ, không hưởng được bầu không khí vui vẻ của ngày lễ. Chu Dương Linh là người khiêm khắc với bản thân nhưng rất độ lượng với người ngoài, tất nhiên đáp không sao.

Mấy thị nữ theo biểu tiểu thư ngồi xe xuống núi, vừa lên xe thì đã xoa hông, thở phào một hơi. Bôn ba cả ngày thật sự rất mệt, còn vất vả hơn chăm sóc một biểu tiểu thư yểu điệu nhiều. Xe lắc lư trên đường, nghiêng qua trái ngã qua phải, các thị nữ người nằm kẻ ngồi, nhắm nghiền hai mắt, dần dần chìm vào giấc ngủ.

Bất chợt cỗ xe dừng lại, La Linh Dư ngồi gần bên ngoài vén rèm lên nhìn. Đôi mắt yêu kiều vừa nhìn đến, thì thấy dưới mặt trời chói chang, có hai nam tử chặn ở trước xe. Một người là nam nhân trung niên, sắc mặt tiều tụy, môi nứt nẻ; còn dẫn theo một thiếu niên vì đói bụng mà da mặt vàng vọt, cơ thể gầy đét, như một chú gà con yếu ớt. Hai nam tử kia ngồi trên đường trước xe, khóc lóc năn nỉ cầu giúp đỡ, trông thật thảm thương. Xe bị cản đường, phu xe đành bất đắc dĩ tới hỏi biểu tiểu thư nên làm thế nào.

Mái tóc của thiếu niên rối xù như cỏ khô, cúi đầu không nói một lời. Nam nhân trung niên kia mấy lần toan bò đến cạnh xe của La Linh Dư, nhưng đều bị hộ vệ và phu xe ngăn lại. Ông ta vẫn chưa từ bỏ ý định: “Xin nữ lang cứu mạng chúng tôi, chúng tôi chạy trốn từ phương Bắc đến, đã nhiều ngày rồi chưa được ăn bữa cơm no bụng.”

Phu xe ngoái đầu nhìn hai người kia, tuy giọng điệu ghét bỏ thấy rõ, nhưng vẫn lấy lòng vị biểu tiểu thư xinh đẹp trong xe: “… Rõ ràng trong mấy chùa miếu trên núi có Chu lang thu xếp cho, bọn chúng không chịu đi thêm hai bước, còn chạy đến đây chặn xe của nữ lang. Nhìn là biết không phải người tốt! Chúng ta không thể cứu loại người này được, nữ lang cứ để chúng tôi đuổi chúng đi.”

Các hộ vệ đeo bảo kiếm bên hông, nhìn đăm đăm nam nhân trung niên chặn xe và chàng thiếu niên cúi gằm đầu bên cạnh.

Nhưng La Linh Dư nhìn thấy thế thì thở dài, nhỏ nhẹ mở miệng, nghe giọng có vẻ rất đau lòng: “Đều là người đáng thương cả, nếu đã gặp được trên đường thì ấy chính là duyên, hà tất phải như vậy? Vương thúc, cho bọn họ ít bánh bao và nước uống đi, rồi kéo bọn họ ra, đừng để bọn họ chặn xe chúng ta là được rồi.”

Phu xe than thở: “Nữ lang đúng là tốt bụng!”

La Linh Dư mỉm cười. Muội muội trong xe đang đắp chăn, cuộn tròn trong góc ngủ không biết trời trăng đất nước, trong tiếng ve kêu râm ran, La Linh Dư vén rèm, nhìn người của mình bố trí ổn thỏa cho hai lưu dân gặp ở trên đường. Người thiếu niên ấy còn đỡ, cho bánh bao thì cầm lấy mà ăn chứ không nói gì; nhưng nam nhân trung niên mặt mày bẩn thỉu quỳ phía trước, khi trông thấy nữ lang ngồi yên sau xe, ông ta chấn động.

Như nhật nguyệt trên cao, như ráng chiều hôm buông.

Sau rèm gấm, nữ lang mặc váy lụa đơn sắc dài quét đất, dung mạo tuyệt trần vô song.

Gã trung niên lộ vẻ háo sắc, quỳ lên trước một bước, cao giọng hét to: “Đa tạ ơn cứu mạng của nữ lang! Hai người chúng tôi tình nguyện làm trâu làm ngựa báo đáp nữ lang, xin nữ lang thu nhận chúng tôi…”

Các hộ vệ và phu xe lo lắng nhìn La Linh Dư, sợ vị biểu tiểu thư hiền lành này thật sự đồng ý với hai lưu dân, để hai người kia đi theo bọn họ. Nhưng trong lòng La Linh Dư lại rất xem thường. Nàng cẩn thận quan sát hai người quỳ dưới đường, thiếu niên cúi đầu nên không thấy rõ mặt, nhưng nam nhân trung niên đang ngửa mặt nhìn lên kia, có nhìn thế nào cũng rất tầm thường, không phải là dạng “hổ xuống đồng bằng” xuất thân hiển hách.

La Linh Dư mà cứu người, thì một là vì danh tiếng, hai là do nàng đã nhận được bài học rắc rối vì không chịu cứu Lục tam lang —— với người cầu cứu mình, dù không muốn cứu, nàng cũng phải tỏ vẻ từ bi như Bồ Tát, không thể để người ta nắm thóp được.

Ngộ nhỡ nàng lại gặp được Lục tam lang thứ hai thì sao?

Người trên đường luôn miệng cầu khẩn, ồn ào đến phát phiền. Cẩn thận quan sát một hồi, hai người này không thể nào là Lục tam lang thứ hai được, La Linh Dư buông rèm xuống, từ tốn nói: “Ta không thể quyết định được, hai người các ngươi còn trẻ khỏe, có thể tìm được lối thoát khác. Nhớ ân tình của ta, ngày sau báo đáp là được rồi. Đừng có “đấu gạo nuôi ân, gánh gạo nuôi thù*”, ép ta phải cứu bằng được hai người các ngươi.”

(*Đấu gạo nuôi ân, gánh gạo nuôi thù có nghĩa là khi bạn giúp người một chuyện rất nhỏ lúc khó khăn, thì đối phương sẽ vô cùng cảm kích, nhưng sau khi họ đã có thế sống dựa vào sức của mình mà bạn vẫn tiếp tục giúp đỡ, rồi đột nhiên đến một ngày không còn giúp họ, đối phương có thể sẽ quay ra hận bạn. Ý muốn nói khi việc cho nhận trở thành thói quen thì nó sẽ trở thành một trách nhiệm không thể chối đẩy.)

Gã trung niên chợt ngẩn người, mặt đỏ bừng: … Không ngờ một biểu tiểu thư trông yểu điệu hiền lành lại nghĩ được như thế, nói ra lời như vậy.

Ông ta cúi đầu xuống, trong mắt là vẻ nghiêm nghị, đến lúc ngẩng đầu lên thì lại càng tha thiết muốn nhờ giúp đỡ. Nhưng đúng lúc này, bất chợt nghe thấy tiếng vó ngựa cất lên. Mọi người cùng nhìn sang, thấy tuấn má lao vụt đến, lang quân tuấn tú đi tới như hạc cưỡi mây. Nam nhân trung niên quỳ dưới đất lập tức ngậm miệng, hoang mang lẫn bất an cúi đầu, giả vờ ngu dốt gặm bánh bao trong tay. Chỉ cảm thấy tiếng vó ngựa sao quen tai, một luồng gió ập đến, lập tức lang quân liếc mắt nhìn sang. Ông ta cố gắng thu lại khí tức trên người, cảm nhận được ánh mắt của lang quân dừng trên người mình một lúc, sau đó mới dời đi.

Các hộ vệ che chở đoàn xe: “Tam lang!”

Lục tam lang dừng ngựa cạnh xe, chàng cúi đầu nhìn nữ lang ngồi khuất sau rèm, hứng thú dâng lên, nhưng ra vẻ làm lạ mà hỏi: “… Dư Nhi muội muội lại làm người tốt đấy à, cho người tùy tiện gặp phải trên đường đồ ăn thức uống?”

La Linh Dư trong xe đỏ mặt: giọng điệu này của Lục Quân, nghe như giễu cợt nàng “giả nhân giả nghĩa” vậy.

Nhưng người ngoài đều cho rằng Lục Quân đang khen nàng.

La Linh Dư ho một tiếng, lúng túng diễn kịch trước mặt mọi người: “… Đúng thế đó. Thấy bọn họ đáng thương quá, muội thực sự không đành lòng, cho nên mới ra tay giúp đỡ. Biểu ca không trách muội chứ?”

Lang quân ở ngoài xe bật cười.

Nghe như đang dán vào vành tai nàng, cười giễu nàng. Tuy cách một tấm rèm, nàng cũng có thể tưởng tượng được dáng vẻ chàng nhếch mép, nhất thời mặt nóng lên. Mà song song với đó, nàng lại cảm thấy thấp thỏm: vì từ khi nàng lên núi cho đến nay, đã rất nhiều ngày nàng chưa gặp Lục Quân. Trong lòng… cũng khá nhớ chàng.

Lục tam lang vừa đến, hai lưu dân ngăn trước xe như mất đi dũng khí, không dám la hét đòi làm trâu làm ngựa báo đáp nữ lang nữa. Lúc hộ vệ xua hai người kia đi, nam nhân trung niên kéo cậu thiếu niên bỏ chạy. Cả hai chạy ra xa, nằm sấp xuống trốn vào dưới bụi rậm, cẩn thận nhìn theo hướng đoàn xe đi xa. Gã trung niên và thiếu niên thấy xe dừng ở ven đường, cửa mở ra, để nữ lang xinh đẹp mà bọn họ thấy ban nãy thò đầu ra ngoài, nói chuyện cùng lang quân đang cúi người. Sau khi nói với nhau mấy câu, lang quân anh tuấn phi phàm xuống ngựa, giao dây cương cho người hầu rồi bước lên xe, ngồi chung xe cùng nữ lang.

Nam nhân trung niên lấy làm thất vọng, xì một tiếng: “… Hừ. Đám quý tộc này đúng là loạn, nam nữ chung xe, ai biết bọn chúng làm trò gì ở trong xe.”

Sĩ tộc thượng lưu rất bạo dạn, là một thế giới hoàn toàn xa lạ với bình dân.

Người thiếu niên cụp mắt không nói gì, hắn buồn bã xóa sạch bùn đất trên mặt, để lộ gương mặt tuấn tú. Hắn im lặng, không hề ngẩng đầu nhìn lấy một lần, nhưng lại nghe thấy nam nhân trung niên bên cạnh tiếc rẻ: “Nữ lang đẹp như thế… Hầy, không phải nữ lang sĩ tộc hiền lắm sao? Vì sao chúng ta chặn xe xin viện trợ, nữ lang đó chỉ cho chúng ta ăn, mà không mời chúng ta lên xe ngồi?”

Ông ta hừ nói: “Nhưng ta nghe nói, Trần nương tử nhà Trần đại nho cho lưu dân ở ngay trong nhà!”

“Mẹ nó… Không được, chắc chắn nữ lang này tốt bụng, chẳng qua bị gã nam kia xen vào. Lần sau gặp lại nàng ta, nhờ giúp đỡ tiếp là được.”

“Sĩ tộc… Ha, leo lên người nàng ta, nói không chừng chúng ta có thể cùng hưởng phúc… Đợi thành Kiến Nghiệp bị phá rồi, nể tình mỹ nhân này chăm sóc chúng ta, cứ mang nàng ta theo là được, khà khà!”

Thiếu niên vẫn im lặng, không hề lên tiếng.