Chương 53: Hồi chín (11)

Lại kể chuyện Hồ Hán Thương.

Vào đêm hôm trước…

Trong soái trướng, Khai Đại nửa nằm trên ghế trải da hổ. Giữa trướng đốt một lò lửa to để thắp sáng điệu múa và dáng người uyển chuyển của cung nữ. Mùi trầm thoang thoảng khắp lều. Hai bên y lại có năm sáu đứa cung nữ túc trực, hầu rượu ca múa làm vui. Rượu trong li không lúc nào vơi, thịt trên đĩa chẳng mấy khi cạn. So với mớ lương khô nhạt toẹt mà binh sĩ phải cố mà ních vào bụng hàng ngày, bữa ăn mà Hồ Hán Thương đang chê lạt miệng chẳng thèm đụng đũa này là ước mơ xa vời của họ.

" Thánh thượng, tiện thiếp để ý từ hôm qua đến giờ người cứ cười suốt thôi. Nếu không phải quân cơ bí mật, không biết có thể nói cho chị em bọn thiếp vui chung được chăng? "

Một đứa cung nữ trong bọn giở giọng, thanh điệu luyến láy ngọt như đưa đường vào tai người khác. Vừa nói, ả lại vừa đưa đôi tay mềm mại trườn lên, cuốn quanh cổ Hồ Hán Thương. Ả kề sát miệng vào bên tai y, hơi thở thơm ngào ngạt, ấm áp mang hơi ẩm quyến rũ đến mân mê màng nhĩ của Khai Đại.

" Không có vấn đề gì lớn, chẳng qua là nhổ được mấy cái gai ngứa mắt, cấp thiết phải loại bỏ thôi. "

" Ồ, chẳng lẽ thánh thượng có tài tiên tri, đoán trước được Trương Phụ hoặc Mộc Thạnh sẽ bỏ mạng lại ở Hàm Tử? "

Cung nữ kia giật mình kinh ngạc trước câu trả lời của Hán Thương. Nàng ta lại nghĩ nước nhà đang lúc chiến chinh, cái gai mà Khai Đại Đế nhắc đến còn ai khác ngoài hai tặc soái hung danh hiển hách Trương, Mộc của địch nữa?

Hồ Hán Thương ngả người ra sau, thản nhiên:

" Cần gì có tài tiên tri? Chỉ cần kế hoạch của ta diễn ra hoàn mĩ là được. Trong suốt chiều dài lịch sử nước Trung Hoa, có mấy lần chúng chiến thắng được quân ngoại bang đâu? (*) "

Cung nữ cúi đầu, cung kính đáp một câu chẳng biết có bao nhiêu phần chân tâm thực ý.

" Thánh thượng thực là vị vua do ông trời phái xuống. "

Đúng lúc này, có một người vén tấm liếp lên mà xông thẳng vào soái trướng, bất chấp binh sĩ canh gác kiệt lực can ngăn. Ấy đúng là một trong đám tàn binh mà Hồ Đỗ bắt gặp trên đường " truy kích " quân Minh.

Y chạy đến sụp lạy trước Hồ Hán Thương, máu rỉ ra từ các chỗ bị kiếm chém tên đâm khắp cả người. Có dăm vết thương vì y hoạt động quá mạnh mà rách rộng ra cả tấc.

" Thánh thượng… "

" To gan! Dám xông vào chỗ của thánh thượng, muốn mưu sát phải không? "

Lúc này trưởng đội cận vệ của Hồ Hán Thương cũng xấn vào trướng. Trông thấy người nọ đang quỳ lạy, máu rỉ cả ra đầy đất, y mới nghiêm mặt lại chờ Hồ Hán Thương quyết định.

Khai Đại đế phất tay bảo cận vệ lui xuống sau lều, cách tên bộ tốt bị thương chừng mười bước chân. Nói đoạn, y cất giọng:

" Nói đi. "

Tên thương binh cắn răng nén đau lại, nói:

" Thánh thượng, quân địch bỏ trại, đang kéo đến đây theo hướng tây. "

" Cái gì? "

Hồ Hán Thương nện mạnh cái li trên tay xuống bàn, đứng phắt dậy. Y bước nhanh mấy bước về phía tên bộ tốt, nâng gã dậy. Máu từ vết thương ở vai của người lính tràn xuống tay Khai Đại, làm y phải cố nín một cái nhăn mặt vì nhớp nháp tanh tưởi.

" Ngươi nói sao? Giặc Minh bỏ doanh tập kích quân ta?? Thế Tông Đỗ, Công Khôi làm gì mà không chặn chúng lại? Chúng có đến bảy phần Thần Cơ Sang Pháo của ta, thêm cả thuyền Cổ Lâu… lẽ nào không cản nổi bước tiến của giặc?? "

Gã thương binh kia ho khan, đòi uống nước. Hồ Hán Thương ra hiệu cho cung nữ rót rượu phục vụ y. Người ấy uống xong ngụm rượu, mới tiếp:

" Trương Phụ chẳng biết bằng cách nào đã biết trước được đường đi nước bước của quân ta, cho quân mai phục sẵn. Quân ta không ngờ giặc dám bỏ doanh trại xông ra, nên người thì chết người thì bỏ chạy. Thuyền Cổ Lâu và pháo Thần Cơ đều rơi vào tay giặc. "

Hồ Hán Thương nghe chưa hết lời đã thẫn thờ, ngơ ngác bước lùi lại hai bước rồi đổ sụp xuống trên nền đất.

" Gian tế! Là tên gian tế ấy đã hại ta! Ta phải tìm ra hắn rồi băm vằm làm mắm!! "

Đội trưởng đội cận vệ thấy Khai Đại đế đã mất bình tĩnh, bèn lên tiếng khuyên can.

" Thánh thượng, trước hết phải lập tức chuẩn bị đối sách chống lại quân của Trương Phụ, Mộc Thạnh đã. Hồ Xạ, Hồ Đỗ tướng quân chắc chắn sẽ dẫn đại binh tới tiếp viện ta. "

" Ta chỉ để lại gần ba ngàn lính, sao mà thủ trại? Đúng rồi! Hồ Đỗ, Hồ Xạ dẫn năm vạn quân đánh thẳng vào trại giặc. Nếu như gặp cảnh vườn không nhà trống, thì ắt phải có đối sách gì chứ? " - Hồ Hán Thương nghe đội trưởng đội cận vệ, cũng là thân tín của hắn nhắc mới sực nhớ đến hai cái gai mình muốn nhổ. Như chết đuối giữa dòng bắt được khúc chuối trôi sông, y bèn tóm lấy vai người lính đang bị thương mà lay, mà lắc. Vừa làm vừa hỏi dồn.

" A… bẩm… thánh thượng. Hồ Xạ Hồ Đỗ tướng quân dẫn quân đánh tập hậu, liều sống chết với giặc. Chính đang mong thánh thượng phát binh đánh thăng vào rừng phía tây, binh chia hai đường nghiền nát quân địch. "

[ Không… không được… Hồ Xạ, Hồ Đỗ nắm trong tay cũng năm vạn quân, cho dù có thêm ba ngàn cũng chỉ như muối bỏ bể. ]

“ Truyền lệnh của ta, toàn quân rút đi trong đêm! Theo đường biển rút về Thiên Xương! ”

“ Thánh thượng… xin người nghĩ lại. Hồ Đỗ, Hồ Xạ tướng quân đang liều mình cự giặc… ”

Tên thương binh nghe mà phát hoảng, vội vàng lên tiếng. Nhưng nói chưa dứt câu thì gã đội trưởng cận vệ binh đã táng cho một cú vỏ kiếm vào ngay mồm. Người nọ vội vàng bụm miệng, ngăn không cho máu và cả răng gãy ra ngoài.

“ Im mồm! Mày chỉ là thằng dân đen ít học! Ở đó mà dạy khôn thánh thượng à? ”

Đoàn viện binh chẹt thành thế gọng kìm mà Hồ Xạ chờ đợi, vì thế vĩnh viễn chẳng đến Hàm Tử.

Ngay trong đêm ấy, Hồ Hán Thương cho binh lính xuống thuyền ra biển, xuôi xuống phía nam. Lúc sóng bắt đầu vỗ mạn thuyền, y vội vàng cho vời anh là Hồ Nguyên Trừng đến.

Vị tả tướng quốc vẫn mặc trang phục chẳng khác nào tù nhân, nhẹ nhàng bước vào buồng ở của vua trên thuyền rồng đóng hồi năm ngoái. Hồ Nguyên Trừng nhìn quanh, thấy nơi này bài trí sao mà xa hoa. Nào những rèm châu chăn gấm, đèn hoa đệm ngọc loá cả mắt mà thấy rầu. Than ôi. Đất nước thì đang buổi rối ren, đánh Chiêm Thành chống Đại Minh, thế mà thuế tô của người dân lại đổ vào những thú chơi này của đấng chí tôn sao? Hồ Hán Thương vội đón chàng, hỏi gặng:

“ Trẫm định kéo quân về Thanh Xương ( Thanh Hoá ngày nay), rồi lại dùng Hoá Châu và hai châu Thăng, Hoa chiếm được của Chiêm Thành làm bàn đạp chiêu binh mộ tướng, đắp thành thêm cao đào hào thêm rộng. Liệu như thế có chống được giặc hay không? ”

Hồ Nguyên Trừng nhìn Khai Đại đế, nói:

“ Ngăn được hay không, không phải một lời của Nguyên Trừng nói mà thay đổi được. Thánh thượng cứ làm điều mình cho là đúng thôi. ”

Hồ Hán Thương nhìn bóng lưng chàng khuất dần sau cánh cửa mà lặng người, rồi sụp hẳn xuống ghế. Hắn bưng mặt mình, mắt tối sầm lại. Năm vạn đại quân, liệu thoát thân được bao nhiêu người??

[ Ta sai… sai rồi… Đáng lẽ không nên khinh thường quân giặc mà tự mãn, chim chưa hết cá hãy còn mà đã bẻ ná bỏ lờ. ]

Dưới bầu trời sao, Hồ Nguyên Trừng đưa mắt nhìn về phía Hàm Tử một lần cuối cùng, thở dài.

[ Lửa hồng đã rừng rực lan ra nửa quãng đồng, gió thuận đang ầm ầm nổi lên khắp trời nam, thử hỏi sức người đâu ra mà ngăn cho được? Ôi… lẽ nào " Rồng Không Đuôi " thực là con dao chặt mất đường sống của triều Hồ, của Đại Ngu ta chăng?

Không! Quân Hồ chẳng bại dưới tay nhà Minh, cũng chẳng phải vì con rồng què phượng cụt gì hết. Nước mất nhà tan là do ta tự gây nên… ]

Đêm càng tối hơn, mây đen vần vũ như một con quái thú tham lam nuốt chửng cả vầng trăng và bầy sao trời. Duy chỉ còn một ngôi sao là le lói toả sáng, bất chấp bóng tối mịt mùng xung quanh.

(*) chú thích:

Ở đoạn này, Hồ Hán Thương thực ra có cái lí của y.

Trung Quốc viết rất nhiều sách, truyện miêu tả những tướng quân, mưu sĩ của họ thành những bậc anh hùng siêu thực. Lãng mạn hoá danh nhân, mình thấy ấy là một cách rất hay để “ quảng bá ” văn hoá. Chẳng thế, mà nay dân ta thuộc làu làu tam quốc?

Nhưng, quân phương bắc có thực sự mạnh như thế?

Xuyên suốt lịch sử dựng nước, giữ nước của Trung Hoa thì mình nhận ra… số lần họ thắng được ngoại bang đếm trên đầu ngón tay.

Tần vs Âu Lạc: 1,5 triệu quân Triệu Đà đánh 20 năm chẳng hạ nổi thành Cổ Loa

Hán vs Lĩnh Nam: Mã Viện đánh Lạng Sơn bị vợ chồng Đào Kỳ cầm chân ba năm không tiến được.

Tuỳ - Đường vs Triều Tiên: thua phải sáu bảy lần gì đó.

Nam Hán vs Ngô: thua tan tác

Tống vs Lí: thua

Trung Hoa vs Mông Nguyên: bị nghiền nát

Trung Hoa vs Nhật: thua tanh bành

Có thể thấy, nội tại của Trung Hoa ấy là “ đánh thua ngoại bang ”. Cho nên, đoạn này mình nghĩ khó trách Hồ Hán Thương có phần khinh địch. Và mình cũng xây dựng nhân vật theo cách này luôn.

Thực tế là đến giờ, đọc qua cả Minh thực lục, Đại Việt sử ký và Đại Việt thông sử mà mình vẫn còn thấy những thất bại của nhà Hồ hơi mơ hồ ( trừ trận Đa Bang thua do ngu). Điều đó, cộng thêm sự thiếu kinh nghiệm trận mạc trong chiến trường của thể loại quân sự đã khiến chín hồi truyện trở nên càng thêm rối. Tác thực sự có lời xin lỗi tới bạn đọc xa gần.